EVN lên kế hoạch cung ứng theo tháng để tránh thiếu điện
EVN sẽ công bố sản lượng huy động điện từng tháng để các nhà máy, đơn vị lập kế hoạch dự phòng, tránh xảy ra thiếu điện mùa nắng nóng 2024.
Thiếu điện xảy ra tại miền Bắc trong nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023 đã để lại nhiều bài học trong cung ứng điện cho ngành năng lượng. Rút kinh nghiệm năm nay, Bộ Công Thương vừa phê duyệt kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (4,5, 6 và 7/2024).
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu trong 4 tháng hè – thời điểm nắng nóng nhất trong năm – là hơn 109 tỷ kWh. Để đảm bảo cung ứng, Bộ Công Thương giao EVN lên kịch bản huy động sản lượng điện sẽ huy động theo từng tháng cho các nhà máy, đơn vị để họ chủ động lập kế hoạch sản xuất điện.
Số liệu cập nhật kế hoạch đảm bảo điện (gồm chuẩn bị nhiên liệu than, dầu, khí cho phát điện và vận hành hồ chứa thủy điện), nhất là miền Bắc cần được EVN báo cáo Bộ Công Thương vào ngày 15/3.
“EVN cần đưa ra kịch bản dự phòng cho tình huống cực đoan, sự cố để đảm bảo không xảy ra thiếu điện”, Bộ Công Thương lưu ý.
Hiện, EVN nắm giữ khoảng 37,5% nguồn điện, PVN và TKV lần lượt nắm 8% và 2% nguồn điện toàn hệ thống. Còn lại, 52,5% nguồn phụ thuộc vào các nhà máy điện tư nhân, BOT. Do đó, ngoài EVN, Bộ Công Thương yêu cầu PVN sớm nghiệm thu, đưa vào vận hành thương mại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, để thêm nguồn cung điện cho phía Bắc. Tập đoàn này cũng đảm nhận trách nhiệm ưu tiên cấp khí cho sản xuất điện, chào giá phù hợp với nguồn khí LNG nhập khẩu.
Các tổng công ty điện lực thuộc PVN, TKV và chủ đầu tư các nhà máy điện bảo dưỡng các tổ máy phát điện để “tuyệt đối không xảy ra sự cố do nguyên nhân chủ quan trong các tháng cao điểm mùa khô”. TKV, Tổng công ty Đông Bắc cùng các chủ đầu tư nhà máy điện xây dựng kế hoạch cung cấp than chi tiết cho các tháng cao điểm hè.
Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia rà soát phương án vận hành lưới điện 500-220-110 kV; vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc – Nam và đảm bảo tiến độ dự án đường dây 500 KW mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối.
Trước đó, cuối tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành điện đẩy nhanh các dự án nguồn, lưới trọng điểm và chuẩn bị kịch bản dự phòng để không thiếu điện trong năm 2024.
Tính toán của Bộ Công Thương cuối năm ngoái cho thấy, trường hợp lưu lượng nước về các hồ thủy điện bình thường, hệ thống điện quốc gia cơ bản đủ điện. Còn trường hợp thời tiết cực đoan, miền Bắc có thể thiếu 420 -1.770 MW trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7.
Năm nay, sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu của Việt Nam là hơn 306 tỷ kWh, trong đó mùa mưa chiếm 52%, còn lại mùa khô. EVN nhận định cung ứng điện năm nay vẫn khó khăn do phụ thuộc diễn biến bất thường thời tiết, mất cân đối cung cầu giữa các miền. Cùng đó, quản lý vận hành, đầu tư xây dựng các dự án nguồn, lưới điện gặp nhiều khó khăn.
nguồn VnExpress